PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT VỤ XUÂN 2023

Ủy ban nhân dân xã Quang Thuận chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp vụ xuân năm 2023.

(Triển khai đắp đập lấy nước phục vụ sản xuất)

Ngày 01/2/2023 UBND xã đã ban hành kế hoạch số 07/KH-UBND về tổ chức thực hiện phương án sản xuất vụ xuân năm 2023 với mục tiêu sản xuất các loại cây trồng vụ xuân theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng; từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân, tổng sản lượng các loại cây trồng vụ xuân đạt theo chỉ tiêu huyện giao.

* Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 73 ha; tổng sản lượng có hạt là 414 tấn; trong đó ưu tiên phát triển các giống lúa chất lượng và các giống ngô năng suất cao. Diện tích rau, đậu các loại là 15 ha bao gồm: rau các loại, đậu đỗ các loại. Diện tích cây chất bột đạt 4 ha, bao gồm: khoai lang, khoai môn. Cây công nghiệp ngắn ngày 4 ha, bao gồm: cây lạc, cây gừng. Cây chè:  chăm sóc 9 ha chè cho thu hoạch, sản lượng búp chè tươi thu được ( cả năm) đạt 60 tấn. Cây cam quýt: chăm sóc 654 ha cam, quýt đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 7000 tấn. Cây hồng không hạt: duy trì diện tích cho thu hoạch 9 ha, sản lượng đạt 54 tấn. Cây mơ: duy trì diện tích cho thu hoạch 4 ha, sản lượng đạt 27 tấn. Cây chuối: duy trì diện tích cho thu hoạch 15 ha, sản lượng đạt 249 tấn. Diện tích đất ruộng, soi bãi đạt 100 triệu đồng /ha trở lên: 25 ha.

* Về chăn nuôi: Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi, khuyến khích người chăn nuôi tái đàn để đảm bảo sản lượng, hướng dẫn hộ chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn và thực hiện tốt công tác phát triển chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023

* Về thủy sản: Chuẩn bị ao nuôi, con giống và các điều kiện cần thiết khác để nuôi trồng thủy sản đảm bảo mục tiêu kế hoạch năm 2023

* Về lâm nghiệp: Phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng: trồng lại rừng sau khai thác 25ha, trồng cây đa mục đích theo nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND tỉnh: 3 ha. Sản lượng gỗ khai thác năm 2023 đạt 3.500m3; củi 5.200 Ste; Luồng, vàu; 60.000 cây; Nứa: 30.000 cây

(Đang tiến hành sửa chữa mấy thủy nông Nà Chạp)

* Công tác lãnh đạo chỉ đạo: Tổ chức đánh giá tiềm năng và năng lực cụ thể của từng thôn để giao chỉ tiêu thực hiện đảm bảo đạt kế hoạch đề ra. Chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ nhỏ lẻ để liên kết sản xuất hình thành hợp tác xã hoặc liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp. Tăng cường hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật trong trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và nuôi trồng thủy sản đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất và triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, phục vụ sản xuất và tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông, lâm nghiệp của xã.

Trồng trọt: Bố trí bộ giống lúa phù hợp theo từng thôn,  không bố trí nhiều giống trên một cánh đồng; ưu tiên sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương. Rà soát lại diện tích đất lúa ở từng thôn xác định diện tích chuyển đổi đất lúa sang cây trồng có giá trị cao hơn trên cơ sở tuân thủ các quy định của Chính phủ về chuyển đổi đất lúa. Hướng dẫn nông dân gieo trồng đảm bảo theo khung thời vụ đối với từng loại cây trồng; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh; chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh đảm bảo an toàn, hiệu quả; quản lý tốt chất lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Chăn nuôi, thủy sản: Khuyến khích chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng gia trại để sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết có sự tham gia đầu tư. Đa dạng hóa phương thức chăn nuôi; tận dụng nguồn sản phẩm phụ trong nông nghiệp tại địa phương kết hợp với sử dụng thức ăn công nghiệp làm thức ăn phục vụ sản xuất chăn nuôi. Đối với công tác nuôi trồng thủy sản cần thay đổi phương thức nuôi từ quảng canh sang quảng canh cải tiến, bán thâm canh và sử dụng nuôi một số giống đạt năng suất, phù hợp với thị trường người tiêu dùng. Nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản thông qua việc nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các hộ chăn nuôi trong việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Lâm nghiệp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quản lý, bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có. Ban Lâm nghiệp xã bám nắm địa bàn thôn, theo hướng quản lý rừng “tận gốc”, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ngay tại cơ sở; tập trung bảo vệ rừng, ngăn chặn khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên trong các khu rừng phòng hộ và tại các khu vực giáp ranh và chống chặt phá rừng để lấy đất sản xuất, trồng rừng, chuyển sang mục đích khác. Chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc việc trồng lại rừng sau khai thác phải thực hiện ngay vụ kế tiếp. Chỉ đạo thực hiện chăm sóc tốt diện tích rừng trồng đang trong chu kỳ chăm sóc và rừng trồng những năm trước đây; hướng dẫn, chỉ đạo người dân thực hiện chăm sóc tái sinh chồi Mỡ theo đúng quy trình kỹ thuật.

Công tác thuỷ lợi: Tập trung sửa chữa, nạo vét kênh mương, hướng dẫn và kiểm tra công tác vận hành, quản lý nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ xuân có hiệu quả, tránh lãng phí nước.

T/h Phương Thảo